Triển vọng dầu năm 2023: Dự báo chịu ảnh hưởng từ sự không chắc chắn cao khi các mức tăng năm 2022 bị xóa sổ

Các thị trường dầu mỏ đang chào tạm biệt một năm đầy biến động, bắt đầu với giá khoảng 75 USD/thùng và tăng vọt lên trên 130 USD/thùng khi trận chiến ở Ukraine kéo theo cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Trước những ngày cuối cùng của năm 2022, giá dầu hiện đã xóa sổ thành quả đạt được cho năm 2022, phần lớn do những mối lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Biểu đồ trên cho thấy, giá dầu thô tương lai trong nửa đầu năm 2022 đã tăng mạnh. Tồn kho dầu mỏ toàn cầu đã ở mức thấp nhất trong nhiều năm vào đầu năm 2022, với công suất dự phòng của OPEC+ giảm dần trong bối cảnh khó khăn vì những hạn chế về sản lượng. Vào tháng 3, thị trường năng lượng toàn cầu đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nguồn cung có lẽ là lớn nhất trong nhiều thập kỷ sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine, đẩy giá dầu thô Brent tương lai lên trên 130 USD/thùng.

Tuy nhiên, biểu đồ cũng cho thấy rằng cả hai loại dầu tiêu chuẩn đã xóa sổ toàn bộ mức tăng của năm nay vào tháng 12. Chúng ta sẽ xem xét các yếu tố đã đẩy giá dầu đến vị trí hiện tại.

  • “Zero-Covid” cắt giảm tới 40% nhu cầu dầu tại Trung Quốc

Các biện pháp nghiêm ngặt ở Trung Quốc đã có tác động to lớn đến việc đi lại trong nước kể từ quý đầu tiên của năm 2022, làm giảm đáng kể nhu cầu nhiên liệu. Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho thấy sản lượng chế biến dầu thô trong 10 tháng đầu năm 2022 đã giảm gần 2 triệu thùng/ngày so với giai đoạn 5 năm từ 2015-2019. Các nhà phân tích cũng ước tính rằng chính sách “zero-Covid” của Trung Quốc đã làm giảm nhu cầu dầu trong nước tới 40%.

  • Chỉ số của Mỹ tăng mạnh khi chính sách tiền tệ thắt chặt

Việc giảm khả năng di chuyển trong nước và sản lượng công nghiệp thấp hơn do các biện pháp hạn chế Covid-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc chỉ là một phần của các vấn đề mà nhu cầu dầu toàn cầu gặp phải trong năm 2022. Lạm phát cao khiến các ngân hàng trung ương lớn thắt chặt tiền tệ, bên cạnh những hạn chế tài khóa do mức nợ công cao cũng đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề này.

Chỉ số đô la Mỹ đã tăng mạnh từ tháng 1 đến tháng 9, khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất để chống lại tốc độ lạm phát nhanh nhất kể từ những năm 1980. Điều này đã gây áp lực lên giá dầu do đô la Mỹ mạnh hơn khiến hàng hóa định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng có tiền tệ không vững vàng trước đồng bạc xanh.

  • Nguồn cung dầu thế giới gia tăng

Trong khi những sóng gió về kinh tế vĩ mô và các biện pháp hạn chế do Covid-19 của Trung Quốc tiếp tục gây áp lực lên tâm lý thị trường, thì dầu đã được tung ra thị trường nhiều hơn. Ngoài đợt giải phóng dầu lịch sử từ Nguồn dự trữ Dầu mỏ Chiến lược Hoa Kỳ, các quốc gia thành viên IEA đã giải phóng gần 180 triệu thùng dự trữ của chính phủ từ tháng 3 đến tháng 8. Sản lượng và xuất khẩu dầu của Nga cũng vẫn mạnh, mặc dù xuất khẩu dầu thô và sản phẩm dầu sang châu Âu đã giảm đáng kể.

OPEC+, vốn đã tăng mục tiêu sản xuất từ tháng 8 năm 2021, đã đảo ngược chính sách của họ và đồng ý cắt giảm sản lượng dầu tới 2 triệu thùng/ngày vào tháng 10, với lý do triển vọng thị trường dầu mỏ và kinh tế toàn cầu không chắc chắn. Trong cuộc họp gần nhất diễn ra vào ngày 4 tháng 12, OPEC+ đã tái khẳng định quyết định tiếp tục hạn chế nguồn cung cho đến hết năm 2023.

Sự không chắc chắn cao vẫn ảnh hưởng tới các dự báo năm 2023

Các dự báo cho năm 2023 vẫn bị ảnh hưởng bởi sự không chắc chắn cao do nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm tác động tiềm tàng của các biện pháp trừng phạt đối với sản lượng dầu của Nga, rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu và việc nới lỏng các hạn chế ở Trung Quốc.

Theo Ngân hàng Thế giới, giá dầu sẽ ở mức trung bình 92 USD/thùng trong năm 2023 và 80 USD/thùng vào năm 2024, giảm so với mức dự kiến là 100 USD/thùng vào năm 2022. Mặc dù đã được điều chỉnh giảm so với dự báo trước đó, Ngân hàng Thế giới tuyên bố rằng họ dự báo giá dầu sẽ vẫn cao hơn mức trung bình 5 năm gần đây là 60 USD/thùng.

Goldman Sachs dự báo nhu cầu toàn cầu sẽ tăng 2 triệu thùng/ngày vào năm 2023 khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Theo đó, dầu Brent dự kiến sẽ đạt mức trung bình 98 USD/thùng và WTI đạt mức 92 USD/thùng vào năm 2023, giảm so với dự báo trước đó của ngân hàng là 110 USD/thùng đối với dầu Brent và 105 USD/thùng đối với dầu WTI.

EIA dự báo giá dầu thô Brent giao ngay sẽ ở mức trung bình 92 USD/thùng trong cả năm 2023. Mặc dù cơ quan này cho biết họ dự kiến sẽ có một số áp lực giảm giá dầu trong nửa cuối năm 2023 do sự gia tăng tiềm tàng của tồn kho dầu, song khả năng gián đoạn nguồn cung hoặc sản lượng hiện tại có thể cân bằng áp lực này.

Trong khi đó, Ngân hàng Hoa Kỳ (BofA) dự báo rằng dầu Brent có thể đạt trung bình 100 USD/thùng vào năm 2023, được thúc đẩy bởi sự phục hồi nhu cầu dầu mỏ ở Trung Quốc sau khi tái mở cửa và nguồn cung của Nga giảm 1 triệu thùng/ngày vì các lệnh trừng phạt của EU.

Được viết bởi Başak Ceylan – [email protected]

Nguồn: https://www.chemorbis.com/vi/

Trả lời

0933068071
icons8-exercise-96 chat-active-icon chat-active-icon